Từ năm 2016, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Cục TTKH&CNQG), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế đã trở thành thành viên chính thức thụ hưởng CSDL ScienceDirect của Nhà xuất bản Elsevier.
Sáng ngày 16/4/2021 tại Nhà C1T (144 Xuân Thủy - Cầu Giấy – Hà Nội), Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC) đã phối hợp với Cục TTKH&CNQG và Nhà xuất bản Elsevier tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kỹ năng khai thác nguồn tin khoa học & công nghệ và viết bài báo khoa học quốc tế” với mục đích chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, xuất bản và công bố quốc tế. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 06 điểm cầu tham dự, bao gồm Nhà xuất bản Elsevier, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học An Giang, thu hút sự quan tâm và hiện diện của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh và người học thuộc các đơn vị đào tạo kể trên.
Tại Hội thảo, nhà cố vấn nền tảng của Elsevier – Ông Nicholas Pak đã giới thiệu và hướng dẫn khai thác CSDL điện tử ScienceDirect phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo. Là CSDL điện tử học thuật toàn văn hàng đầu thế giới với gần 35,000 đầu sách và hơn 3,800 tạp chí, bên cạnh các công cụ tìm kiếm và truy xuất thông tin, ScienceDirect còn cung cấp nội dung tích hợp từ nhiều nguồn dữ liệu bên ngoài khác dưới định dạng audio, video và bộ dữ liệu… CSDL ScienceDirect đa ngành, chất lượng cao giúp các nhà nghiên cứu bắt kịp với xu thế nghiên cứu tiên tiến toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, xuất bản quốc tế và hòa nhập với cộng đồng khoa học thế giới.
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo, diễn giả Nicholas Pak đã chia sẻ các phương thức hỗ trợ nhà nghiên cứu tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tin sát hợp với lĩnh vực nghiên cứu sở trường một cách nhanh chóng và chính xác, đưa ra một số phương pháp phân tích các thông tin quan trọng trong các CSDL trích dẫn, giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm những bài báo có chỉ số trích dẫn cao trong lĩnh vực quan tâm, tìm ra xu hướng và chủ đề nóng trong nghiên cứu, từ đó xây dựng định hướng nghiên cứu phù hợp với xu hướng xuất bản chung của thế giới. Bên cạnh đó, diễn giả cũng dành nhiều thời lượng của chương trình để nói về các phương thức thiết kế chiến lược xuất bản, cách tìm kiếm hiệu quả các tạp chí được xếp hạng cao, các tạp chí nhanh được trích dẫn và cách thức lựa chọn nhanh chóng, chính xác những tạp chí có tỉ lệ trích dẫn cao trong lĩnh vực nghiên cứu.
Hội thảo có tính tương tác cao khi những thính giả tham dự hội thảo tỏ rõ sự quan tâm và đặt ra một số câu hỏi thiết thực cho diễn giả, tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: định dạng ngôn ngữ chuẩn dùng trong nghiên cứu và xuất bản, ảnh hưởng của các bài báo khoa học có số lượt trích dẫn cao nhất đối với công tác nghiên cứu và xuất bản; cách thức tính lượt sử dụng bài báo của các nhà xuất bản; cách thức công bố các bài báo...
Trong bối cảnh xu thế nghiên cứu và xuất bản quốc tế đang ngày càng trở thành yêu cầu thiết yếu đối với các nhà khoa học, buổi hội thảo với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ chuyên gia là những bài học giá trị giúp những nhà nghiên cứu khoa học nắm bắt được xu thế nghiên cứu chung toàn cầu, xác định được đúng trọng tâm nghiên cứu và có thêm nhiều kỹ năng giúp gia tăng tỉ lệ xuất bản bài báo quốc tế thành công.