GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU

Tên gọi và trụ sở

Điều 1. Tên gọi và trụ sở
1. Tên tiếng Việt: Trung tâm Thư viện và Tri thức số.
2. Tên tiếng Anh: VNU - Library and Digital Knowledge Center.
3. Tên gọi tắt: VNU - LIC.
4. Trụ sở:
a) Trụ sở chính: Nhà C1T - số 144, đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
b) Các cơ sở:
- Nhà A2, Trường Đại học Ngoại ngữ - số 2, đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
- Ký túc xá Mễ Trì - số 182, đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Nhà M, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - số 336, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc - xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
5. Website: http://lic.vnu.edu.vn Email: lic@vnu.edu.vn
6. Điện thoại: (024) 37546545 Hotline: (024) 62539899
Điều 2. Vị trí pháp lý
1. Trung tâm Thư viện và Tri thức số (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được tổ chức lại trên cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đổi tên của Trung tâm Thông tin - Thư viện theo Quyết định số 316/QĐ-ĐHQGHN ngày 14/02/2022 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); là đơn vị phục vụ, dịch vụ trực thuộc ĐHQGHN, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Trung tâm được tổ chức và hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan, các quy định của ĐHQGHN và Quy định này.
3. Trung tâm chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của ĐHQGHN, có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, các quy định, chế độ chính sách của Nhà nước và quy định của ĐHQGHN.
 

HỢP TÁC QUỐC TẾ

Trung tâm có quan hệ với hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các nhà xuất bản tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác, trong đó có: Viện Harvard Yenching, Đại học Cornell, Đại học Hawaii, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Đại học Paris, Đại học Sorbone, Đại học Bone, Đại học Lômônôxôp, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Tokyo, Đại học Kyodo, Đại học Quốc gia Kangwon, Đại học Thanh Hoa, Đại học Liêu Ning, Thư viện Quốc gia Australia, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế,
Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp Cali, Thư viện Khảo sát địa chất Nhật Bản,
Chương trình hỗ trợ của Trung tâm Quốc tế về Vật lý lý thuyết Abdus Salam...

Ngoài ra, Trung tâm còn có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế tại Hà Nội như Phòng Văn hóa Thông tin Đại sứ quán Hoa Kỳ, Viện Gớt, Hội đồng Anh, Qũy Châu Á, Phòng Thông tin Đại sứ quán Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Pháp ngữ ... Trung tâm là thành viên sáng lập và tham gia Ban Chấp hành Hội thư viện đại học trực tuyến các nước Đông Nam Á (AUNILO) và Hội đồng thư viện Đại học Quốc gia các nước Đông Á (East Asian University Library Council).

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ

Chức năng

1. Thu thập, lưu trữ, xử lý, tổ chức, quản trị các loại hình dữ liệu - thông tin -
tri thức - học liệu (truyền thống, số hóa, đa phương tiện) và cung cấp - phổ biến các sản phẩm, dịch vụ, tài nguyên thông tin khoa học (dữ liệu khoa học, thông tin khoa học, tri thức khoa học, học liệu) cho người học, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động ĐHQGHN và người dùng tin ngoài ĐHQGHN (sau đây gọi tắt là người dùng tin).

2. Quản trị hiệu quả hệ thống dữ liệu lớn của ĐHQGHN (học liệu số, bài
giảng, giáo trình, luận văn - luận án số, dữ liệu nghiên cứu khoa học số, kết quả
nghiên cứu khoa học số, sáng chế, phát minh, hồ sơ các nhà khoa học) và kết nối,
liên thông với các loại hình cơ sở dữ liệu học thuật chất lượng cao của Việt Nam và thế giới để phục vụ hoạt động nghiên cứu số, đào tạo số, học tập số và chuyển đổi số của ĐHQGHN.

3. Hỗ trợ quản trị nghiên cứu - đào tạo đỉnh cao của ĐHQGHN thông qua các
hoạt động như: nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và dự báo xu hướng nghiên cứu của ĐHQGHN; nghiên cứu và triển khai trắc lượng thư mục như: ISI, Scopus, Vcgate...; đào tạo và hỗ trợ các công cụ nghiên cứu - học tập như: kiến thức thông tin, kỹ năng tìm kiếm - lưu trữ - phân tích và sử dụng dữ liệu - thông tin - tri thức, phương pháp tự nghiên cứu - tự học, trích dẫn khoa học, chống đạo văn.

4. Nghiên cứu - triển khai các thành tựu trong lĩnh vực khoa học thư viện,
khoa học thông tin, tri thức; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ về thông tin, tri thức, thư viện số, quản trị dữ liệu - thông tin - tri thức cho đội ngũ nhân sự trong và ngoài ĐHQGHN; cung cấp các dịch vụ tri thức - thư viện; tư vấn xây dựng, triển khai các hoạt động về thư viện số, chuyển đổi số, quản trị tri thức.

Nhiêm vụ

1. Tham mưu cho lãnh đạo ĐHQGHN về phương hướng tổ chức và hoạt động quản trị tri thức - thư viện, chuyển đổi số, phát triển thư viện số, trung tâm tri thức số nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy, học tập và phục vụ người dùng tin trong ĐHQGHN.

2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển: Tổ chức và điều phối hệ thống quản trị dữ liệu - quản trị thông tin - quản trị tri thức - thư viện, chuyển đổi số, phát triển thư viện số, trung tâm tri thức số trong ĐHQGHN.

3. Phát triển nguồn tài nguyên, thông tin, tri thức: Thu thập, mua, bổ sung các loại hình dữ liệu khoa học, thông tin khoa học, tri thức khoa học, học liệu (giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, báo, tạp chí…), các cơ sở dữ liệu và tổ chức, bảo quản, lưu trữ các nguồn lực tri thức trên để cung cấp, phục vụ cho người dùng tin ĐHQGHN; thống kê, phân tích, tổng hợp nhu cầu về dữ liệu - thông tin - tri thức để đáp ứng theo nhu cầu đào tạo, nghiên cứu, học tập của các đơn vị đào tạo, cộng đồng và cá nhân người dùng tin ĐHQGHN; xây dựng, phát triển hệ sinh thái dữ liệu, học liệu phục vụ cho học tập, nghiên cứu, giảng dạy tại ĐHQGHN.

4. Thu nhận lưu chiểu những xuất bản phẩm do ĐHQGHN xuất bản, bao gồm: sách, giáo trình, các loại hình tài liệu khác do Nhà xuất bản ĐHQGHN xuất bản; khóa luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bảo vệ tại ĐHQGHN hoặc tác giả là công chức, viên chức, người lao động (CCVC) và học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh (HSSV) của ĐHQGHN; báo cáo tổng kết của các đề tài nghiên cứu,dự án các loại đã được nghiệm thu; kỷ yếu hội nghị, hội thảo, các học liệu điện tử, bài giảng điện tử do các đơn vị trong ĐHQGHN chủ trì hoặc do CCVC, HSSV của ĐHQGHN thực hiện; hệ thống dữ liệu, thông tin, tri thức dạng in, số hóa, hiện vật về ĐHQGHN.

5. Chuyển đổi số: Số hóa, chuyển đổi tất cả các loại hình học liệu truyền thống sang dạng số, chuyển đổi số và số hóa mọi loại hình tài liệu: sách, báo, tạp chí, tài liệu cổ, đa phương tiện sang các định dạng file số và tổ chức lưu trữ, phục vụ cho các quy trình nghiệp vụ của Trung tâm; lưu trữ, truy xuất, sử dụng, khai thác dữ liệu số lâu dài của ĐHQGHN; phát triển và lưu trữ hệ thống dữ liệu lớn bao gồm các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thuộc ĐHQGHN.

6. Biên mục và tạo lập siêu dữ liệu: Biên mục, tạo lập các chỉ mục, các loại hình khổ mẫu siêu dữ liệu theo chuẩn quốc tế về mô tả dữ liệu. Xây dựng hệ thống tra cứu tìm tin thích hợp; thiết lập mạng lưới truy nhập và tìm kiếm thông tin tự động hoá; tổ chức cho toàn thể người dùng tin trong ĐHQGHN khai thác, sử dụng thuận lợi và có hiệu quả nguồn tài nguyên tri thức của Trung tâm và các nguồn bên ngoài.

7. Quản trị công nghệ và dữ liệu lớn: Ứng dụng và quản trị hệ thống công nghệ, các nền tảng quản trị dữ liệu, phần mềm và hệ thống mạng, hệ thống máy chủ lưu trữ, các thiết bị phần cứng và hệ thống máy tính, các thiết bị công nghệ của Trung tâm; tổ chức, kết nối, liên thông và quản trị hệ thống dữ liệu lớn của Trung tâm với dữ liệu trong và ngoài ĐHQGHN, tích hợp và thống nhất với trục dữ liệu của ĐHQGHN để phát triển đại học số và nâng cao hiệu suất sử dụng; xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu thư viện số đại học dùng chung đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ; tạo lập hồ sơ tác giả số toàn bộ ĐHQGHN để lưu trữ và quản trị chất xám nhà khoa học;

8. Triển khai các dịch vụ tri thức số: Triển khai trắc lượng thư mục ISI/Scopus để phân tích, đánh giá, báo cáo và dự báo xu hướng nghiên cứu ĐHQGHN; cung cấp các gói dịch vụ tìm kiếm và phục vụ dữ liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu; triển khai tổ chức các dịch vụ phục vụ trực tuyến; đào tạo người dùng tin và hỗ trợ các công cụ nghiên cứu - học tập như: Kiến thức thông tin; Kỹ năng tìm kiếm - lưu trữ - phân tích và sử dụng dữ liệu - thông tin - tri thức; Phương pháp tự nghiên cứu - tự học; Trích dẫn khoa học; Chống đạo văn; Khảo sát và đánh giá người dùng tin và chất lượng phục vụ của Trung tâm.

9. Triển khai phục vụ các hệ thống dịch vụ tri thức hiện đại: Phục vụ hệ thống học liệu; mượn trả học liệu tự động; phòng đọc thông minh; tự học tự nghiên cứu; cung cấp không gian trao đổi học thuật theo nhóm - chuyên đề; cung cấp các trang thiết bị hiện đại và thông minh để hỗ trợ quá trình tự học - tự nghiên cứu.

10. Quản trị hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại – thông minh; thiết kế, xây dựng, vận hành Tòa nhà thông minh Trung tâm.

11. Nghiên cứu các thành tựu về khoa học thư viện, thông tin; khoa học quản trị dữ liệu - thông tin - tri thức để áp dụng, triển khai cho các hoạt động của Trung tâm, ĐHQGHN, Việt Nam và thế giới.

12. Tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ về thư viện số, quản trị dữ liệu - thông tin - tri thức; tư vấn xây dựng phát triển thư viện số, quản trị tri thức cho đội ngũ nhân sự trong và ngoài ĐHQGHN.

13. Quản trị, cung cấp dữ liệu, thông tin các xuất bản, công bố khoa học trong nước và quốc tế phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phục vụ tiêu chuẩn bài báo khoa học trong thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

14. Phát triển quan hệ trao đổi, hợp tác với các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị dữ liệu - thông tin - tri thức - thư viện trong và ngoài nước; tham gia hoạt động trong Liên hiệp Thư viện các trường đại học, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin - Tư liệu Việt Nam và các hiệp hội thư viện, trung tâm dữ liệu - thông tin - tri thức khác trong và ngoài nước theo quy định của Nhà nước và ĐHQGHN.

15. Liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN trong triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và các hoạt động phục vụ, sản xuất, kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tri thức - thư viện; sử dụng và chia sẻ các nguồn lực, cơ sở vật chất theo quy định của ĐHQGHN.

16. Phát triển văn hóa đọc, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc đối với CCVC, HSSV trong ĐHQGHN; tổ chức các cuộc thi đại sứ Văn hóa đọc; tổ chức các ngày hội đọc sách, ngày sách Việt Nam.

17. Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc ĐHQGHN giao.