VNU-LIC chuyển đổi số theo mô hình “Trung tâm Tri thức số”

 

        Là đơn vị trực thuộc đóng vai trò như trái tim, biểu tượng tri thức của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cùng với chủ trương nắm bắt công nghệ để chuyển đổi số, xây dựng đại học số hiện đại, hiệu quả theo hướng “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững” của ĐHQGHN, VNU-LIC đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, số hóa học liệu, xây dựng và phát triển thư viện số.

        Kể từ khi được thành lập theo Quyết định số 66/TCCB ngày 14/02/1997 của Giám đốc ĐHQGHN, với tiêu chí lấy người dùng tin làm trung tâm, VNU-LIC luôn chú trọng xây dựng không gian vật lý hiện đại, tiện ích; phát triển nguồn tài nguyên thông tin khoa học đa dạng, phong phú, chất lượng cao; mở rộng các dịch vụ thông tin thư viện hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đáp ứng tốt hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao của các đối tượng người dùng tin thuộc ĐHQGHN. Trong giai đoạn 2021-2025, Trung tâm có định hướng phát triển chuyển đổi từ mô hình “Thư viện số” (cung cấp học liệu số) sang mô hình “Trung tâm Tri thức số”, đặt trọng tâm vào quản trị dữ liệu số - thông tin số - tri thức số và biến dữ liệu thành tri thức khoa học, phục vụ cho việc kiến tạo hệ sinh thái số thông minh – sáng tạo của ĐHQGHN với các mục tiêu cụ thể:

  • Số hóa 100% học liệu phục vụ cho nghiên cứu – đào tạo – học tập số.
  • Thu thập, lưu trữ, tổ chức và phát triển hệ thống dữ liệu lớn ĐHQGHN
  • Xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ 4.0 hiện đại
  • Mở rộng và gia tăng các dịch vụ quản trị dữ liệu – thông tin – tri thức số
  • Kiến tạo và phát triển thế hệ người dùng tin sáng tạo, tự học tập và tự nghiên cứu suốt đời
  • Chuẩn bị nguồn nhân lực và kế hoạch triển khai xây dựng VNU-LIC tại Hòa Lạc

TS. Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc VNU-LIC trình bày mục tiêu phát triển Trung tâm giai đoạn 2021-2025

        Ngày 26/3/2021, trong buổi làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Hiệu - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ ĐHQGHN đã đề xuất mở rộng một số chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm cho phù hợp với vai trò và trọng tâm phát triển mới. Theo đó, Trung tâm vẫn đảm bảo các chức năng và nhiệm vụ của thư viện đã có từ trước, đồng thời mở rộng thêm các chức năng và nhiệm vụ của quản trị tri thức – thông tin – dữ liệu, gia tăng các hoạt động dịch vụ cho nghiên cứu, đào tạo chất lượng cao, cụ thể là:

Về chức năng

  • Thu thập, lưu trữ, xử lý, tổ chức, quản trị các loại hình dữ liệu – thông tin – tri thức – học liệu và cung cấp, phổ biến các sản phẩm, dịch vụ, tài nguyên khoa học cho người dùng tin.
  • Quản trị hiệu quả hệ thống dữ liệu lớn của ĐHQGHN, kết nối với các loại hình cơ sở dữ liệu học thuật chất lượng cao của Việt Nam và thế giới.
  • Hỗ trợ quản trị nghiên cứu – đào tạo đỉnh cao của ĐHQGHN thông qua hệ thống các hoạt động trắc lượng thư mục, đào tạo và hỗ trợ các công cụ nghiên cứu – học tập…
  • Nghiên cứu, triển khai các thành tựu về khoa học thư viện, khoa học thông tin, khoa học quản trị dữ liệu – thông tin – tri thức; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thư viện số, quản trị thư viện số; tư vấn xây dựng dự án thư viện số, quản trị tri thức…

Về nhiệm vụ

  • Tham mưu cho lãnh đạo ĐHQGHN về phương hướng tổ chức và hoạt động quản trị tri thức – thư viện số, phát triển trung tâm tri thức số nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy, học tập và phục vụ người dùng tin trong ĐHQGHN.
  • Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển; tổ chức và điều phối hệ thống quản trị dữ liệu – thông tin – tri thức – thư viện.
  • Phát triển nguồn lực tri thức thông qua công tác thu thập, bổ sung, tổ chức, lưu trữ các loại hình dữ liệu khoa học, thông tin khoa học, học liệu…
  • Thu nhận lưu chiểu những xuất bản phẩm do ĐHQGHN xuất bản
  • Số hóa, chuyển đổi tất cả các loại hình học liệu truyền thống sang dạng số; lưu trữ, truy xuất, sử dụng và lưu trữ dữ liệu số lâu dài của ĐHQGHN…
  • Biên mục và tạo lập siêu dữ liệu theo chuẩn quốc tế về mô tả dữ liệu
  • Quản trị công nghệ và dữ liệu lớn, tích hợp và thống nhất với trục dữ liệu của ĐHQGHN để phát triển đại học số và nâng cao hiệu suất sử dụng…; tạo lập hồ sơ tác giả số toàn bộ ĐHQGHN để lưu trữ và quản trị chất xám nhà khoa học…
  • Triển khai các dịch vụ tri thức số như trắc lượng thư mục ISI/Scopus để phân tích, đánh giá, báo cáo và dự báo xu hướng nghiên cứu ĐHQGHN; cung cấp các gói dịch vụ tìm kiếm và phục vụ dữ liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu; triển khai tổ chức các dịch vụ phục vụ trực tuyến; đào tạo người dùng tin và hỗ trợ các công cụ nghiên cứu, học tập…
  • Triển khai phục vụ các hệ thống dịch vụ tri thức hiện đại
  • Quản trị hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại – thông minh…; thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà thông minh cho Trung tâm.
  • Nghiên cứu, triển khai các thành tựu về khoa học thư viện, khoa học thông tin để phát triển cho đơn vị, ĐHQGHN, Việt Nam và thế giới; tổ chức hội nghị/hội thảo/các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ về thư viện số; đào tạo các thế hệ đội ngũ chuyên gia mới…
  • Phát triển quan hệ trao đổi, hợp tác với các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị dữ liệu – thông tin – tri thức – thư viện trong và ngoài nước…
  • Liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện với các đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN.

        Với định hướng phát triển thành Trung tâm Tri thức số, việc điều chỉnh, bổ sung các chức năng và nhiệm vụ mới được đề cập ở trên là yêu cầu hoàn toàn chính đáng để VNU-LIC chuyển đổi mô hình hoạt động, góp phần vào xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của ĐHQGHN nhằm trở thành đại học thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á và 500 đại học hàng đầu thế giới.