1. Đại hội Đảng bộ Trung tâm
Ngày 11/6/2020, Đảng bộ Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đại hội xác định, mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025 là phát triển Trung tâm trở thành “Trung tâm Tri thức số - Digital Knowledge Hub”, lấy người dùng tin làm trung tâm, tài nguyên thông tin khoa học đa dạng, phong phú, chất lượng cao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mở rộng các dịch vụ thông tin thư viện hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao ở ĐHQGHN. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Trung tâm Thông tin – Thư viện khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 05 đồng chí.
2. Thư viện số tài liệu nội sinh VNU-LIC vươn lên vị trí 75 trong bảng xếp hạng thế giới và gia tăng ảnh hưởng học thuật của ĐHQGHN trên phạm vi toàn cầu.
Với 50.000 tài liệu nội sinh, trong đó hơn 35.000 tài liệu (không tính sáng chế và trích dẫn) được Google Scholar kiểm đếm tháng 5/2020, Thư viện số tài liệu nội sinh Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC) tiếp tục dẫn đầu Việt Nam và vươn lên vị trí 75 trong bảng xếp hạng thế giới, tiếp tục tăng 19 bậc từ vị trí 94 (tháng2/2020) lên 75/3.000 Thư viện số tài liệu nội sinh thế giới (tháng 5/2020). Nếu so với xếp hạng 1/2015 thì VNU-LIC đã tăng rất mạnh là 741 bậc.
3. Phục vụ xuất sắc các nhà nghiên cứu, giảng viên và người học trong ĐHQGHN
Theo thống kê của năm 2019 và 2020, VNU-LIC đã xác lập kỷ lục về số liệu phục vụ học liệu số (gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái 2019) như sau:
- Tổng số lượt tương tác thư viện năm 2020: 23.634.971 lượt, tăng 43 % so với cùng kì năm 2019
- Lượt sử dụng thư viện năm 2020: 8.576.151 lượt (tăng 30% so với cùng kì năm 2019).
4. Thành công trong xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn về học liệu số
Tính đến 10/2020, tổng số nguồn lực học liệu số phục vụ cho nghiên cứu - đào tạo của ĐHQGHN bao gồm các loại hình học liệu số phát triển trên các nền tảng công nghệ như sau:
- VNU LIC Bookworm: Học liệu số trên nền tảng công nghệ di động (Giáo trình số và sách tham khảo số): ~ 56.000 tên.
- Dspace: Luận án số, luận văn số trên nền tảng công nghệ quản trị tài nguyên nội sinh mã nguồn mở ~ 32.000 tên; kết quả đề tài nghiên cứu khoa học: ~ 2.000. (http://repository.vnu.edu.vn/)
- Tạp chí và sách điện tử ngoại văn trên nền tảng các cơ sở dữ liệu điện tử trực tuyến : ~ 53.000 sách điện tử; ~ 4.100 tạp chí, gồm: SpringerLink, ScienceDirect, Bookboon, WorldScientific, MathSciNet,… (https://lic.vnu.edu.vn)
- Virtua: Tài liệu in trên nền tảng công nghệ quản trị thư viện tự động hóa ~ 114.000 tên sách; ~ 400 tên tạp chí.
- Hệ thống dữ liệu lớn học thuật toàn cầu được kết nối và khám phá dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm thông minh URD2 truy cập mở (kết nối hơn 90% CSDL Open Access truy cập mở miễn phí của các trường đại học thế giới).
5. 91,1% người dùng tin ĐHQGHN hài lòng về chất lượng phục vụ qua đợt khảo sát lấy ý kiến phản hồi về chất lượng hoạt động hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học thường niên.
Trung tâm đã tổ chức lấy ý kiến phản hồi về chất lượng hoạt động hỗ trợ đào tạo và NCKH thông qua 3.774 phiếu khảo sát trực tuyến. Kết quả đã có 3.320 phiếu (91,1%) lựa chọn mức 4 (hài lòng) và mức 5 (hoàn toàn hài lòng) với điểm đánh giá trung bình là 4.181 (độ lệch chuẩn là 0.7075).
6. Tổ chức thành công cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc
Năm 2020 là năm đầu tiên VNU-LIC tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc dành cho học sinh, sinh viên (HS, SV) trong các trường trực thuộc. Sau 06 tháng phát động tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình rất đáng khích lệ của HS, SV. ĐHQGHN rất vinh dự có 04 bài dự thi đạt giải cấp quốc gia trong đó: 01 giải ba; 03 giải khuyến khích.
7. Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Bằng khen cho tập thể có công tác xuất sắc trong phòng chống dịch Covid - 19
Trong thời gian nghỉ giãn cách phòng chống dịch bệnh, Trung tâm TT-TV (VNU-LIC) đã ứng phó kịp thời và hiệu quả trong chuyển đổi nhanh chóng từ phục vụ học liệu dạng truyền thống (người học phải đến thư viện) sang phục vụ số (phục vụ truy cập từ xa, học tập từ xa, giảng dạy từ xa, nghiên cứu từ xa). VNU-LIC đã xác lập kỷ lục về số liệu phục vụ học liệu số chưa từng có (gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái 2019) như sau: Với tổng số lượt truy cập và sử dụng thư viện số VNU-LIC (từ 01/2/2020 đến 20/2/2020) là 329.733 lượt (tăng gần 5 lần), trong đó: Tăng cao nhất là truy cập và sử dụng ứng dụng VNU LIC: Giáo trình và Sách điện tử là 152.834 lượt (tăng hơn 43 lần); đứng thứ 2 là truy cập kho tài nguyên số nội sinh là 115.041 lượt (tăng hơn 3 lần); thứ 3 là sử dụng công cụ tìm kiếm học liệu thông minh URD2 là 42.067 lượt (tăng gần 2 lần); thứ 4 là lượt truy cập web LIC là 19.791 lượt (tăng hơn 2 lần). Đặc biệt số bạn đọc đăng ký sử dụng ứng dụng VNU LIC: Giáo trình và Sách điện tử đạt mốc 20.276 người tải và đăng ký sử dụng so với 590 người đăng ký cùng kỳ năm ngoái (tăng 34 lần) cho thấy sức hấp dẫn và tiện ích cho bạn đọc ĐHQGHN khi đọc học liệu số trên ứng dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng đang phổ biến trong ĐHQGHN hiện nay.
Không đến trường không có nghĩa là ngừng học, VNU-LIC đã luôn khẳng định làm vai trò nền tảng quan trọng hỗ trợ liên tục cho bạn đọc, học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu ĐHQGHN tích cực truy cập từ xa, học tập từ xa, giảng dạy từ xa, nghiên cứu từ xa trong những ngày ở xa mái trường thân yêu vì phòng chống dịch Covid -19.
Với những nỗ lực trên, Trung tâm đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Bằng khen cho tập thể có công tác xuất sắc trong phòng chống dịch Covid - 19.
8. Tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia và xuất bản sách chuyên khảo “Phát triển mô hình Trung tâm tri thức số cho các Thư viện Việt Nam”
Trung tâm phối hợp với Liên Chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc (NALA); Trường Đại học Văn hoá Hà Nội; Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách Khoa HN tổ chức thành công hội thảo “Phát triển mô hình Trung tâm tri thức số cho các Thư viện Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút được hơn 200 đại biểu là đại diện Ban Giám đốc các Trung tâm TT-TV, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên của các trường Đại học, cơ quan thông tin trên khắp cả nước.
9. Hợp tác cùng phát triển kho học liệu số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo
Trung tâm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Đài truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần công nghệ DTT; Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES.JSC); Tổng công ty Bưu điện Vietnam Post (VNpost); Công ty TNHH Microsoft Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) hợp tác cùng phát triển kho học liệu số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, tạo môi trường thuận lợi giúp giáo viên, học sinh và người dân tham gia với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu/sử dụng hiệu quả các tài nguyên tri thức số hóa, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục và thúc đẩy phát triển xã hội học tập.
10. Phát triển Thư viện số dùng chung giữa các trường đại học Việt Nam và Thế giới, kết nối tri thức - thúc đẩy sáng tạo
Trung tâm đã trao tặng gần 1.000 tài khoản truy cập Bookworm và Dspace phục vụ Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN; các khách mời, đối tác ĐHQGHN; các Trung tâm Thông tin – Thư viện, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên của các trường Đại học, cơ quan thông tin trên khắp cả nước nhằm quảng bá học liệu số, sản phẩm thông tin và dịch vụ thông tin tới đông đảo người dùng. Qua đó thu hút người dùng quan tâm, khai thác hiệu quả tài nguyên và lan tỏa các giá trị tinh hoa tri thức thúc đẩy hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại ĐHQGHN.
11. 51% lượng tri thức tiếp thu từ thư viện theo khảo sát của VNU-LIC
Trong khảo sát của VNU-LIC tháng 12/2020 về lượng tri thức sinh viên tiếp nhận khi đến học tại ĐHQGHN, với 3.949 người trả lời kết quả cho thấy: 51% tri thức có được từ thư viện (Học liệu số, Sách, Giáo trình…); 46% tri thức có được từ giảng viên (Bài giảng, Bài kiểm tra, Sự truyền đạt tri thức); 3% tri thức có được từ các nguồn khác (Internet).
12. Công tác phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN - QA năm 2020
Trung tâm đã chuẩn bị cơ sở vật chất, cung cấp minh chứng, phục vụ đánh giá AUN – QA cho 4 ngành đào tạo là cử nhân khoa học vật liệu và cử nhân ngành quản lý đất đai của trường ĐHKHTN; cử nhân ngành chính trị học của trường ĐHKHXH&NV và cử nhân ngành ngôn ngữ Ả Rập của trường ĐHNN.