QĐND - Để hoàn thành tốt vai trò phục vụ, hỗ trợ và tham gia kiến tạo trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Trung tâm Thông tin-Thư viện (TTTV) đang nỗ lực xây dựng và phát triển trở thành trung tâm tri thức số, học tập số, nghiên cứu số. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm TTTV, ĐHQGHN, Phó chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Là một trong những thư viện hàng đầu của cả nước, Trung tâm TTTV, ĐHQGHN đã có những đóng góp gì cho ngành giáo dục, thưa ông?
TS Nguyễn Hoàng Sơn: Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm TTTV đã trở thành thư viện hàng đầu cả nước. Đến nay, trung tâm đã xây dựng kho học liệu số với gần 45.000 tên giáo trình và sách tham khảo trên nền tảng công nghệ di động; gần 33.000 tên luận án, luận văn, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học trên nền tảng công nghệ quản trị tài nguyên nội sinh mã nguồn mở; gần 53.000 sách điện tử và 4.100 tạp chí điện tử ngoại văn trên nền tảng các cơ sở dữ liệu điện tử trực tuyến. Đối với xuất bản phẩm dạng in ấn, trung tâm có khoảng 114.000 tên sách và gần 400 tên tạp chí.
TS. Nguyễn Hoàng Sơn
Với phương châm “Kết nối tri thức-thúc đẩy sáng tạo”, trung tâm đã đáp ứng tốt nhu cầu học liệu, đặc biệt là học liệu số. Trung tâm đã thành công trong tự động hóa toàn bộ chu trình hoạt động của thư viện truyền thống, ứng dụng các công nghệ mượn trả sách tự động 24/7, an ninh thư viện, camera giám sát, các thiết bị nghe nhìn hiện đại, phủ sóng wifi toàn bộ thư viện... Xét xếp hạng thư viện số tài liệu nội sinh các trường đại học Việt Nam thì Trung tâm TTTV đứng thứ nhất (năm 2019), đứng thứ 75 thế giới (tháng 5-2020). Trong Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, tại phân hệ Dữ liệu mở của Itrithuc.vn với tổng số 10.355 bộ dữ liệu, trong đó Trung tâm TTTV đóng góp 97% tổng số dữ liệu.
PV: Thời gian qua, lượng tri thức mà học sinh, sinh viên tiếp nhận thông qua Trung tâm TTTV như thế nào?
TS. Nguyễn Hoàng Sơn: Cuối năm 2019, Trung tâm TTTV đã thực hiện khảo sát về lượng tri thức học sinh, sinh viên tiếp nhận khi đến học tại ĐHQGHN với gần 4.000 người tham gia trả lời. Kết quả cho thấy, 49% tri thức mà học sinh, sinh viên có được từ thư viện; 40% tri thức có được từ giảng viên; 11% tri thức có được từ các nguồn khác. Năm 2019, tổng số lượt sử dụng thư viện đạt hơn 6,6 triệu lượt, tăng 74% so với năm 2018 và tăng 717% so với năm 2015. Trong 5 năm liền, có hơn 90% bạn đọc hài lòng khi tham gia khảo sát chất lượng thư viện.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tra cứu học liệu qua máy tính, ipad.Ảnh: VŨ KIM.
PV: Để đáp ứng nhu cầu học liệu số, quá trình thu thập, số hóa, xử lý, truyền thông và phục vụ của trung tâm ra sao?
TS Nguyễn Hoàng Sơn: Để đáp ứng nhu cầu của hơn 40.000 học sinh, sinh viên, học viên, giảng viên của ĐHQGHN với nhu cầu thông tin đa dạng, từ cơ bản đến cao cấp, từ phổ thông đến chuyên sâu thì Trung tâm TTTV phải chuyển nhanh sang mô hình Trung tâm tri thức số để lưu trữ, tổ chức và kết nối không giới hạn đến mạng “vũ trụ dữ liệu lớn” tri thức của nhân loại. Trung tâm TTTV từng bước tiến hành thu thập, số hóa toàn bộ học liệu có trong kho tài liệu in của trung tâm và các đơn vị đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN, của Việt Nam và thế giới để đưa vào lưu trữ, tổ chức, phục vụ học liệu số trên nền tảng ứng dụng Bookworm và ứng dụng VNU LIC trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Trung tâm đang tiến hành thu thập, số hóa, đăng tải và công bố thế giới toàn bộ tài nguyên nội sinh gồm luận văn, luận án trên nền tảng quản lý tài nguyên số Dspace http://repository.vnu.edu.vn. Bên cạnh đó, trung tâm tạo lập hồ sơ tác giả ĐHQGHN và công bố (thư mục và toàn văn), kết nối liên thông với Google Scholar để quảng bá tài nguyên nội sinh ĐHQGHN trên phạm vi toàn cầu, tăng chỉ số trích dẫn, tăng chỉ số ảnh hưởng, tăng xếp hạng đại học thế giới của ĐHQGHN, tăng xếp hạng kho tài nguyên nội sinh Webometrics.
Trung tâm TTTV tiến hành bổ sung đầy đủ tạp chí và sách điện tử ngoại văn ScienceDirect, Springer Nature... để gia tăng tri thức đầu vào cho nghiên cứu, gia tăng công bố khoa học trên ISI/Scopus, sáng chế, phát minh, sáng tạo của ĐHQGHN. Đồng thời, trung tâm phát hiện, thu thập, lưu trữ và phục vụ hệ thống dữ liệu lớn học thuật toàn cầu cơ sở dữ liệu Open Access truy cập mở miễn phí của các trường đại học thế giới để tối ưu hóa nguồn dữ liệu học thuật, tăng cường lượng tri thức đầu vào cho ĐHQGHN.
PV: Được biết, ĐHQGHN định hướng xây dựng Trung tâm TTTV tại Hòa Lạc theo mô hình thư viện đa điểm thông minh, là trung tâm nghiên cứu sáng tạo hiện đại ngang tầm khu vực. Ông có thể cho biết thêm về kế hoạch này?
TS Nguyễn Hoàng Sơn: Giai đoạn 2020-2025, Trung tâm TTTV phát triển Trung tâm Tri thức số VNU-LIC. Theo đó, người dùng hoàn toàn có thể truy cập, tìm kiếm, sử dụng và đọc toàn bộ tri thức số của nhân loại. Cùng với đó, thư viện đa điểm sẽ phát triển và kết nối mạng lưới thư viện chi nhánh tới toàn bộ các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN, thúc đẩy sử dụng chung kho tài nguyên thông tin và tối ưu hóa nguồn học liệu hiện có của các đơn vị đào tạo. Tòa nhà Trung tâm Tri thức số VNU-LIC tại Hòa Lạc dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024 bao gồm cả kiến trúc vật lý và kiến trúc số ứng dụng các công nghệ.
Về không gian vật lý, trung tâm sẽ tự động hóa tất cả chu trình hoạt động trong thư viện, ứng dụng thủ thư robot, giá sách thông minh, phòng đọc thông minh với các thiết bị nghe nhìn công nghệ số điều khiển bằng giọng nói, cảm ứng ánh sáng và điều hòa theo nhu cầu bạn đọc... Về không gian số, trung tâm sẽ ứng dụng thủ thư số (trợ lý ảo) hướng dẫn và hỗ trợ tìm kiếm các tài nguyên số, tìm kiếm thông minh, tìm kiếm bằng giọng nói, khám phá dữ liệu lớn, lưu trữ bảo mật dữ liệu người dùng (Blockchain), số hóa và lưu trữ đám mây phục vụ bạn đọc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)
Trích báo Quân đội nhân dân