Phát triển học liệu số cho đại học thông minh

 

Phát triển học liệu số cho đại học thông minh

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

        Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục đạt được những thứ hạng cao hơn trên các bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Theo Bảng xếp hạng đại học của THE (Times Higher Education) 2020, lần đầu tiên ĐHQGHN có mặt trong nhóm 801 – 1000 đại học hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng đại học thế giới 2020 của QS (Quacquarelli Symonds - Anh), ĐHQGHN giữ vị trí trong nhóm 801 - 1000, và theo Tạp chí U.S News & World Report (Hoa Kỳ), ĐHQGHN xếp ở vị trí 1059 các đại học tốt nhất toàn cầu về học thuật. Kết quả trên cho thấy ĐHQGHN không chỉ khẳng định vị trí số một tại Việt Nam mà đang không ngừng gia tăng uy tín và nhanh chóng hội nhập với cộng đồng đại học quốc tế. Thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở kiên định với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu, ĐHQGHN tích cực đổi mới hướng tới một đại học thông minh, vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và nền quản trị đại học tiên tiến. Hoạt động đổi mới đang được triển khai sâu rộng, thống nhất và đồng bộ trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau xoay quanh chủ trương đổi mới hoạt động giảng dạy trong toàn ĐHQGHN. Hoạt động này được xác định bởi 03 thành tố chính có mối liên hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau trên cơ sở lấy công nghệ tiên tiến hiện đại làm nền tảng, đó là: triết lý cá thể hóa trong giáo dục; hạ tầng CNTT với dữ liệu lớn có sự liên thông trong toàn hệ thống thông qua internet; và công nghệ dạy học tiên tiến, hiện đại.

        Với vai trò phục vụ, hỗ trợ và tham gia kiến tạo trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN, Trung tâm Thông tin –Thư viện (Trung tâm) là một trong những đơn vị đầu mối tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới tại ĐHQGHN. Các dịch vụ hỗ trợ và cung cấp thông tin, học liệu cho người dùng tin của Trung tâm cần gắn bó mật thiết với các ngành đào tạo, chương trình đào tạo, nghiên cứu của các đơn vị đào tạo, các Viện nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN. Trên cơ sở lấy mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu tin của người dùng tin, Trung tâm phải là nơi hỗ trợ, kích thích cảm hứng nghiên cứu, học tập, khám phá tri thức, đồng thời cũng là nơi nuôi dưỡng ý thức học tập suốt đời. Nơi đây không chỉ có trách nhiệm làm đầu mối phục vụ tài nguyên học thuật mà còn là trung tâm lan tỏa các giá trị tinh hoa tri thức, thúc đẩy hoạt động học tập, giảng dạy, và nghiên cứu của cán bộ, người dạy và người học tại ĐHQGHN.

        Trong năm 2019, Trung tâm đã được thế giới đánh giá là thư viện số tài liệu nội sinh hàng đầu trong số các thư viện đại học ở Việt Nam, xếp thứ 174 trong số 2.692 thư viện số tài liệu nội sinh của các đại học, học viện trên thế giới. Trung tâm đã góp phần quan trọng trong hoạt động gia tăng vị trí xếp hạng Webometrics của ĐHQGHN, kết quả cụ thể: xếp thứ 1 Việt Nam; xếp thứ 1.013/11.997 thế giới; xếp thứ 38/11.997 thế giới về tài nguyên số hóa dựa trên tỉ trọng lớn tài nguyên số hóa nội sinh của Trung tâm. Đặc biệt, lần đầu tiên, Trung tâm đã xây dựng thành công hệ thống học liệu số hoàn chỉnh và bao quát nhiều lĩnh vực khoa học trên nền tảng di động mang tên VNU LIC Bookworm. Dữ liệu của hệ thống được phân loại khoa học theo các môn học, ngành học của các đơn vị đào tạo tại ĐHQGHN. Hệ thống học liệu số di động VNU LIC Bookworm hỗ trợ các cán bộ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên ĐHQGHN có thể tiếp cận, truy cập, và khai thác mọi lúc, mọi nơi, thúc đẩy văn hóa đọc số - nghiên cứu số của đại học thông minh. Quá trình triển khai hệ thống đã thu hút hơn 6,6 triệu lượt bạn đọc sử dụng thư viện trong 2019 (tăng hơn 70 % so với năm 2018).

        Theo định hướng phát triển trở thành thư viện số trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa, Trung tâm cần tập trung phát triển hệ thống các dịch vụ thông tin trực tuyến trên cơ sở phát triển nguồn tài nguyên số (số hóa), tích hợp thống nhất các CSDL học thuật nội bộ và các CSDL học thuật quốc tế có uy tín, chất lượng và phù hợp với nhu cầu học liệu của người dùng tin về các ngành đào tạo và hướng nghiên cứu của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu tại ĐHQGHN. Các dịch vụ thông tin trực tuyến cần thường xuyên cải tiến không chỉ về nội dung mà còn về phương thức phục vụ và công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu tin thay đổi nhanh chóng và đa chiều của người dùng trong xã hội thông tin ngày nay.

        Trong giai đoạn trước mắt, Trung tâm cần đẩy nhanh tiến độ số hóa toàn bộ kho học liệu truyền thống của thư viện và các đơn vị đào tạo, bổ sung các CSDL học thuật chất lượng cao, ưu tiên theo các mục tiêu chiến lược lớn trong đào tạo và nghiên cứu của ĐHQGHN, đồng thời thúc đẩy các công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Tăng cường ứng dụng công nghệ số hóa tiên tiến và triển khai các phần mềm quản trị học liệu số thông minh, di động, thân thiện, dễ sử dụng trên nhiều nền tảng và thiết bị công nghệ khác nhau nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khai thác tài nguyên số mọi lúc, mọi nơi của toàn thể bạn đọc ĐHQGHN. Song hành cùng với đó, công tác quảng bá học liệu số, sản phẩm thông tin và dịch vụ thông tin tới đông đảo người dùng thư viện cần được tập trung triển khai. Hoạt động này không chỉ thu hút người dùng quan tâm, khai thác hiệu quả tài nguyên và dịch vụ thư viện mà còn góp phần tạo dựng môi trường học tập, nghiên cứu tích cực tại ĐHQGHN.