Hội thảo khoa học “Đại học Đông Dương trong nền giáo dục Pháp – Việt nửa đầu thế kỷ XX – Những vấn đề lịch sử và văn hóa”

         

          Sáng ngày 16/5/2016 tại hội trường Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông – Hà Nội), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đại học Đông Dương trong nền giáo dục Pháp – Việt nửa đầu thế kỷ XX – Những vấn đề lịch sử và văn hóa”, thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước.

          Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội (16/5/1906 – 16/5/2016).

 

 

          Chủ trì hội thảo, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã trình bày diễn văn khai mạc nêu rõ: Là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, Đại học Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao với 5 trường thành viên ban đầu theo tiếng Việt là: Trường Luật và Pháp chính, Trường Khoa học, Trường Y khoa Đông Dương, Trường Xây dựng dân dụng và Trường Văn khoa. Bắt đầu từ một thiết chế đại học của người Pháp được lập ra nhằm phục vụ mục đích cai trị thuộc địa và truyền bá ảnh hưởng của văn minh Châu Âu, Đại học Đông Dương có ý nghĩa tích cực trong việc tạo lập một tầng lớp trí thức bản địa mới và đã có những đóng góp trực tiếp đối với nền giáo dục Việt Nam.

          Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời năm 1993 là sự tiếp nối của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng được nâng lên ở một tầm cao mới, với những kỳ vọng mới. Sự tương đồng giữa Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ thể hiện ở mô hình đa ngành, đa lĩnh vực mà còn ở tiêu chí về chất lượng cao, trình độ cao, xu hướng nghiên cứu gắn chặt chẽ với đào tạo và tính quốc tế hóa. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã không ngừng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nghiên cứu nhưng vẫn trên nền tảng thế mạnh là các ngành khoa học cơ bản, khoa học liên ngành theo xu hướng thế giới và đặt mục tiêu là những nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Nếu Đại học Đông Dương trước đây đào tạo ra nhiều người giữ các vị trí chủ chốt trong các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý của xứ Đông Dương thì ngày nay, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong  hệ thống giáo dục, nghiên cứu và cơ quan quản lý các cấp của nhà nước.

          Trên cơ sở những tư liệu và cách tiếp cận mới, hội thảo tập trung thảo luận về sự kiện thành lập Đại học Đông Dương và tác động của nó đến sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam thời hiện đại trong việc kiến lập một mô hình phát triển mới với nhiều ngành, lĩnh vực khoa học mới; cách thức tư duy, tiếp cận mới. Hội thảo cũng có nhiều báo cáo làm rõ tính kế thừa, phát triển và phát triển sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Những bài tham luận trình bày tại hội thảo nhận được rất nhiều chú ý của người nghe, có thể kể đến một số bài viết như “Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội suy nghĩ về xu hướng của giáo dục đại học hiện đại ở Việt Nam” (GS.TSKH Vũ Minh Giang, ĐHQGHN); “Đại học Đông Dương – Sự du nhập giáo dục Châu Âu vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” (GS. Vũ Dương Ninh - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN); “Đại học Đông Dương, 1906-1945, nỗ lực hiện đại hóa và định hướng ứng dụng” (TS. Trần Thị Phương Hoa - Viện Nghiên cứu Châu Âu)…

 

 

          Tham dự hội thảo , Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN có bài tham luận “Sơ bộ đánh giá giá trị lịch sử và khoa học kho tài liệu tiếng Pháp của Đại học Đông Dương tại Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN”.. Tham luận đã  giới thiệu tới các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội về kho sách của Đại học Đông Dương - kho sách quí về các ngành khoa học cơ bản được hình thành ngay từ khi Đại học Đông Dương được thành lập vào năm 1906, hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN.

          Tham luận đã nêu bật  ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa khoa học của kho sách quí Đại học Đông Dương với hơn 4.000 cuốn sách bao trùm gần như đầy đủ các chuyên ngành đang được đào tạo ở những cơ sở đào tạo đại học tại Châu Âu thời đó như Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh vật học, Sinh lý học, Y học, Nông học, Văn học, Lịch sử, Địa lý… Với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kho sách này càng có ý nghĩa khoa học đặc biệt. Các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm ở đây những cuốn sách quí nghiên cứu về các nước Đông Dương giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX về các lĩnh vực khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, đời sống xã hội, chính trị, kinh tế…, thậm chí cả hoạt động của nền cai trị của chế độ Thực dân với bộ Công báo đồ sộ, cuộc sống thường nhật của mọi tầng lớp xã hôi, kèm những bức ảnh chân thực và sinh động…

           Song song với tham luận, Trung tâm cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều cuốn sách tiêu biểu trong kho sách quí này tại hội thảo, gồm Tuyển tập 20 cuốn Hiệp ước về Động vật học; trọn bộ sách ảnh về các loài thú và chim quí cùng hơn 40 cuốn sách về các chủ đề Hóa học, Toán học, Nông lâm học, Sinh học…

 

Một số cuốn sách tiêu biểu trong kho sách Đông Dương

 

Bộ Hiệp ước về Động vật học

 

Sách ảnh về động vật học

 

           Khu trưng bày của Trung tâm tại hội thảo lần này tuy  còn nhỏ về quy mô, số lượng tài liệu trưng bày chưa nhiều nhưng sự đặc sắc của tài liệu đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của đại biểu, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có mặt tại hội thảo.

          Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn lâu dài kho tài liệu quý và có thể tổ chức phục vụ bạn đọc trong và ngoài ĐHQGHN có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị lịch sử và khoa học của kho sách, báo cáo tham luận củaTrung tâm cũng mạnh dạn đề nghị nhận được sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo các cấp trong việc đầu tư kinh phí để triển khai  một số công việc cấp bách như: thẩm định, đánh giá lại giá trị lịch sử và khoa học của kho sách; thực hiện phương án phục hồi, bảo quản tối ưu kho sách; xây dựng một phòng trưng bày kho sách; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu kho sách và lưu trữ, phục vụ bằng phần mềm hiện đại…