Hành trình 5 năm xây dựng thư viện số nghiên cứu phục vụ đại học định hướng nghiên cứu tại ĐHQGHN

Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN

http://lic.vnu.edu.vn/

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là một trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước. Tại chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020  tầm nhìn năm 2030 đã khẳng định “Trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, trong đó một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến châu Á”.

Trung tâm Thông tin – Thư viện (Trung tâm) là một đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, được giao nhiệm vụ đảm bảo tài nguyên thông tin khoa học và công nghệ chất lượng cao, phục vụ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu và người học trong và ngoài ĐHQGHN.

Vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng trên, trong 5 năm qua Trung tâm đã định hướng “Xây dựng Thư viện số nghiên cứu phục vụ đại học định hướng nghiên cứu”, và có những bước đi quan trọng đầu tiên như chuẩn bị nguồn lực thông tin số, hạ tầng công nghệ và các trang thiết bị thư viện chuyên dụng mới, ứng dụng các phần mềm tiên tiến, phát triển các dịch vụ thông tin - thư viện hiện đại kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ,...

Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Trung tâm Thông tin - Thư viện

Xác định chiến lược để xây dựng một thư viện số thì nguồn lực thông tin trọng yếu ban đầu là tài liệu số và trước hết phải dựa vào nội lực. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu và người học đông đảo (trên 3700 cán bộ; trên 25.000 người học/năm) thì số lượng tài liệu khoa học nội sinh như các đề tài khoa học, sáng chế, tài liệu hội nghị hội thảo, các bài báo trong nước và quốc tế cùng với luận án, luận văn là rất lớn, đồng thời với hệ thống giáo trình của nhà xuất bản và 11 chuyên san tạp chí khoa học ĐHQGHN, Trung tâm bước đầu đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu tài liệu số học thuật nội sinh với số lượng cả tài liệu Born Digital và Digitization lên đến trên 50.000 đối tượng. Trong đó: Hơn 4.000 sách và giáo trình của nhà xuất bản ĐHQGHN; Gần 1.000 tài liệu Thông tin địa chất và Tài nguyên địa chất Việt Nam; Hơn 2.000 đề tài cấp nhà nước và cấp ĐHQGHN; Trên 10.000 thư tịch cổ Hán Nôm; Khoảng 25.000 luận án, luận văn; Trên 5.000 bài báo thuộc tạp chí ĐHQGHN; Gần 3.000 bài thuộc kỷ yếu các hội thảo khoa học,...

Tài nguyên cơ sở dữ liệu điện tử gồm e-book và e-journal là loại hình tài liệu không thể thiếu trong một thư viện đại học nghiên cứu. Vì vậy bằng nhiều hình thức như sử dụng kinh phí thường xuyên, kinh phí dự án, tham gia các consortium, liên hệ với đối tác và nhà xuất bản để dùng thử, đặc biệt có một đội ngũ cán bộ thường xuyên tìm kiếm, khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu mở,... Hiện Trung tâm đang phục vụ CSDL MathSciNet của Hội toán học Mỹ, ScienceDirect của nhà xuất bản Elsevier, sách điện tử của Springer và hàng nghìn tạp chí truy cập mở khác,... Đặc biệt giai đoạn 2017-2020, Trung tâm sẽ bổ sung thêm các CSDL nổi tiếng khác như Nature, Springer Journal – Ebooks, ACM, Emerald, IG Publishing,... để đạt độ phủ cao cho tất cả các ngành / chuyên ngành đào tạo và nghiên cứu của ĐHQGHN.

Để có một công cụ khai thác tài nguyên thông tin khoa học hiệu quả và chuyên nghiệp, cùng một lệnh tìm kiếm có thể truy vấn đến các kho tài liệu trong thư viện và trên thế giới, Trung tâm đã trang bị sản phẩm Cổng giao diện tích hợp kiến thức tìm kiếm tập trung  URD2 (Unified Resource Discovery and Delivery)  với 1 bộ phần mềm gồm 04 phân hệ:

  1. Primo Central Index (Là hệ thống phát hiện tài nguyên số và chuyển giao tài sản số, tài nguyên số. Được thiết kế cho người dùng phổ thông, thân thiện và dễ sử dụng);
  2. MetaLib (Là bộ máy tìm kiếm thông tin học thuật phổ biến nhất hiện nay, có thể tìm kiếm trong hơn 1000 cơ sở dữ liệu thông tin lớn trên toàn thế giới như là ScienceDirect, Springer…);
  3. SFX (Là ứng dụng xử lý nối kết, hợp với MetaLib để đem đến cho người sử dụng khả năng chuyển giao tài nguyên sau khi đã đựợc phát hiện bằng Metalib);
  4. bX ScholarlyRecommenderService: Một dịch vụ dữ liệu chỉ dẫn đọc tài liệu học thuật và nghiên cứu dựa trên dữ liệu sử dụng nội dung điện tử trong môi trường nghiên cứu ở cấp độ toàn cầu dành cho các thư viện số.

Đây là 1 bộ sản phẩm phần mềm của tập đoàn ExLibris (có hơn 4500 khách hàng toàn cầu với hơn 75 thư viện của các trường đại học Top 100 thế giới). Sản phẩm có những tính năng đặc biệt tiện lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, viết bài báo như: “Bài báo nóng trong tháng”, “Số lượt trích dẫn”, “Trích dẫn bởi”, “Liên kết trích dẫn”, “Góc nghiên cứu”,... thực sự là một công cụ hữu ích cho giảng viên, nhà nghiên cứu ĐHQGHN. Thành tựu của công cụ này có thể kể đến là bạn đọc truy cập tìm kiếm thông tin trong năm 2016 tăng 300% so với những năm trước, đáp ứng tìm kiếm CSDL toàn cầu và truy cập tới hơn 90% tài nguyên học thuật truy cập mở. Đặc biệt URD2 giúp tích hợp hệ tri thức học thuật của ĐHQGHN với hệ tri thức học thuật số toàn cầu theo thời gian thực thông qua công cụ tìm kiếm toàn cầu và tương tác với 4 phân hệ của phần mềm, thúc đẩy nhanh và mạnh quá trình nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN.

Cổng thông tin mới với nhiều tính năng hỗ trợ bạn đọc sử dụng và khai thác tài nguyên thông tin trong thư viện được nhúng công cụ tìm kiếm tập trung giúp người dùng tin đang ở trang thông tin bất kỳ đều có thể nhập thông tin tìm kiếm tài liệu cùng với ứng dụng Single Sign On “Đăng nhập một lần, truy cập tất cả” đã thực sự mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Tăng cường xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin mới là một nhiệm vụ được Trung tâm đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Sản phẩm thông tin “Hướng dẫn học tập và nghiên cứu theo chủ đề” cho khoảng 100 ngành đã được hoàn thiện, giúp bạn đọc định hướng thông tin, tìm tài liệu nhanh chóng, rút ngắn quá trình nghiên cứu được đông đảo bạn đọc sử dụng và đánh giá cao. Dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu, hỗ trợ trực tuyến Online Chat, Hotline, Email phục vụ miễn phí, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác là những hoạt động đang được triển khai hiệu quả trong 2 năm trở lại đây.

Hạ tầng công nghệ thông tin và các trang thiết bị thư viện hiện đại thế hệ mới hiện có của Trung tâm bao gồm đường truyền Internet Leased Line 500Mb, 20 IP thực, 15 Server cấu hình cao, 100TB bộ lưu trữ và Backup, 5 LAN, 2 hệ thống SelfCheck và BookReturn, cổng an ninh Hibrid, 2 hệ thống số hóa ScanRobot Treventus 2500 trang/giờ đảm bảo cho Trung tâm vận hành thường xuyên và liên tục hệ thống 24/24h. Giai đoạn tới Trung tâm đang có kế hoạch bổ sung một số trang thiết bị hiện đại khác như giá sách thông minh cùng với một số phần mềm đồng bộ với URD2 như: Aleph (Quản trị hệ thống thư viện tài liệu in tích hợp hiện có hơn 2300 thư viện lớn trên thế giới đang sử dụng); Rosetta (Là công cụ để phát triển kho tài sản số, bao gồm: tạo lập, quản lý, bảo quản, chia sẻ và chuyển giao các bộ sưu tập số),… với định hướng tạo nên một trung tâm dữ liệu lớn (Big Data Center) hướng tới mô hình thư viện số dùng chung cho các thư viện đại học ở Việt Nam.

Với hạ tầng công nghệ  hiện đại, phần mềm quản trị thư viện số, công cụ tìm kiếm đám mây URD2 hiện đại số 1 thế giới và hệ thống CSDL học thuật đỉnh cao, Trung tâm luôn giữ vị thế hàng đầu trong hệ thống các thư viện đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tài liệu học thuật cho nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao của ĐHQGHN.