Những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua đúng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Trung tâm Thông tin – Thư viện đã tổ chức chuyến du xuân cho đông đảo cán bộ viên chức tại Lạng Sơn.
Lạng Sơn là một tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, nơi có Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, có Ải Chi Lăng từng bao lần ghi dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lạng Sơn cũng là nơi có những danh thắng có giá trị lịch sử tâm linh rất thu hút du khách như: Động Tam Thanh, Động Nhị Thanh, Thành Nhà Mạc, Núi Tô Thị, Đền Mẫu, Chùa Thành…
Đền Mẫu Đồng Đăng - Ảnh ST
Đền Mẫu Đồng Đăng là ngôi đền lớn, cổ kính uy nghi nằm trên một quả núi. Đền có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách tới đây nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đền còn có tên “Đồng Đăng linh tự”, là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn. Từ xa xưa, nơi đây là một ngôi chùa. Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ. Đây là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện gặp gỡ cảm động giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong “Tứ bất tử” trong văn hóa tâm linh của người Việt) và Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về.
Chùa Thành (Diên Khánh Tự) - Ảnh ST
Chùa Thành (tên chữ là Diên Khánh Tự) là một ngôi cổ tự, Chùa do nhân dân quanh vùng lập vào thế kỷ 15, thời Lê sơ. Lúc ấy, chùa có tên là Hương Lâm, nhưng vì ở cạnh Đoàn Thành, nên người dân quen gọi là chùa Thành.
Năm 1796, dưới triều vua Cảnh Thịnh, chùa được chuyển về vị trí hiện nay và lấy tên là Diên Khánh Tự (Diên Khánh có nghĩa là tích thiện để có nhiều phúc cho đời sau). Năm 1846, dưới triều vua Thiệu Trị, chùa đổi tên là Tuần Khánh Tự. Về sau, chùa đổi lại tên cũ là Diên Khánh Tự cho đến ngày nay.
Toàn bộ hệ thống tượng thờ (gồm 53 pho tượng lớn, nhỏ) của chùa Thành được đúc bằng đồng nguyên khối. Năm 2007, hệ thống tượng thờ này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam".
Bên cạnh đó, các hoành phi, câu đối của chùa cũng được chạm khắc tinh xảo. Nhiều bộ được sơn son thếp vàng và có tuổi hàng trăm năm. Đặc biệt, ở chùa hiện còn lưu giữ quả chuông nặng 600 kg được đúc từ năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), dưới triều vua Lê Huyền Tông, và tấm bia Diên Khánh tự bi ký (Bài ký bia chùa Diên Khánh) dựng năm 1796, dưới triều vua Cảnh Thịnh. Đây là bia đá hai mặt, khắc văn bia viết bằng chữ Hán, đặt trên lưng rùa, trán bia khắc nổi "lưỡng Long chầu nguyệt", riềm bia khắc hoa văn trang trí.
Ngoài ra, tại tam quan hiện treo một đại hồng chung, do các nghệ nhân đến từ làng Ngũ Xã (Hà Nội) đúc năm 2007. Trọng lượng của quả chuông nặng 2,1 tấn thể hiện ý nghĩa cầu cho nước Việt Nam ở thế kỷ 21, được thịnh vượng và quốc thái dân an.
Động Nhị Thanh - Ảnh ST
Động Nhị Thanh - Là Chùa Tam Giáo, trong Động có nhiều tượng thánh bày thờ theo nhiều hình thức - Động Nhị Thanh gắn liền với danh nhân Ngô Thì Sỹ khi Ông được cử lên làm quan đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777 - 1780. Trong khoảng thời gian ngắn, ông đã làm cho bộ mặt Lạng Sơn thay đổi phát triển đi lên về các mặt Chính trị - Kinh tế, bảo vệ đất nước Đặc biệt về văn hoá, ông đã có công phát hiện ra 8 cảnh đẹp Xứ Lạng (Trấn doanh bát cảnh ) trong đó có động Nhị Thanh. Tháng 5 năm 1779 ông đã thuê thợ khởi công xây dựng tôn tạo khu động. Động bên trái cao, thế đất tốt hơn làm chùa Tam Giáo thờ 3 vị thánh là Khổng Tử - Lão Tử - Phật Thích Ca. Động Nhị Thanh ở bên dưới chùa Tam Giáo, là một hang đá tự nhiên từ cửa trước ra cửa sau dài hơn 500m, với nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ. Ngày nay, tại di tích này có hệ thống văn bia tạc trên vách đá của các danh nhân thi sĩ qua lại các thời kỳ lưu lại. Đây là nguồn sử liệu, những tác phẩm văn học hết sức quí giá, thông tin về lịch sử và di tích Lạng Sơn, nơi đây còn có tượng truyền thần của Ngô Thì Sĩ tạc cùng năm 1779 rất đẹp và có giá trị mỹ thuật cao.
Việc tổ chức những chuyến đi “về nguồn” vào các dịp đặc biệt nhằm để tri ân những đóng góp của đội ngũ cán bộ cho quá trình xây dựng và phát triển của Trung tâm. Đồng thời, cũng là dịp để tìm hiểu và ôn lại những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc thông qua những hoạt động thiết thực này.
Chuyến du xuân đầu năm 2016 kết thúc tốt đẹp, đã để lại những ấn tượng sâu sắc, mang lại những phút giây vui tươi, thư giãn cho các thành viên trong đoàn. Qua đó, đã góp phần chăm lo và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, sự giao lưu trong toàn Trung tâm; động viên, khích lệ tinh thần làm việc hăng say cho các CBVC - những nhân tố có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm.
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến tham quan.
Chụp ảnh lưu niệm tại nơi tổ chức Lễ hội Đền Kỳ Cùng
Tại Đền Mẫu Đồng Đăng
Nguyễn Thu Hằng