Tổ chức tham quan, dã ngoại cho nữ công đoàn viên nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nhằm động viên tinh thần cho toàn thể chị em phụ nữ trong Trung tâm, Công đoàn Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN đã tổ chức chuyến tham quan, dã ngoại cho nữ công đoàn viên tại danh lam Suối Cá thần Cẩm Lương.

Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc (tên khoa học: Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến Suối Cá thần Cẩm Lương mỗi năm. Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương.

Sự tích về suối cá thần gắn liền với truyền thuyết: ngày xưa ông Mường – một người giàu có trong làng, có một người con gái đặt tên là nàng Ngọc. Bao nhiêu trai tráng con nhà danh giá trong làng thầm thương trộm nhớ, nàng Ngọc lại đi yêu chàng Khôi. Chàng Khôi nhìn tướng tá khôi ngô, có tài thổi sáo nhưng lại quá nghèo. Ông Mường không chấp nhận chàng Khôi làm rể, ông thách cưới bằng cách đòi chàng Khôi phải mang 100 trâu đến làm sính lễ đón dâu. Chàng Khôi buồn bã bỏ đi lang thang. Nàng Ngọc ngày đêm thương nhớ chàng nên bỏ nhà ra đi. Lần theo tiếng sáo của chàng Khôi, cuối cùng nàng cũng tìm thấy chàng Khôi đang ngồi thổi sáo bên suối Ngọc. Cả hai thề nguyền sống chết có nhau nên cùng nhảy xuống suối để quyên sinh. Ông Mường không thấy con gái bèn cho người đổ đi khắp các ngả rừng để tìm. Đi đến đoạn cuối cùng của suối Ngọc (giờ là suối cá thần) thì tìm thấy một ống sáo nằm ven suối. Dưới suối là hai con cá tung tăng bơi lội, một cá đực và một cá cái. Cá cái có khoen tai bên mang, ông nhận ra đó là của con gái mình.

Từ những câu chuyện được truyền miệng với nhau, cộng với truyền thuyết về "thần cá" nên người Mường càng tin cá chính là thần linh. Và chính những câu chuyện này đã khoác lên suối cá thần một vẻ đẹp đầy tính huyền bí. Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Đây là một địa điểm tham quan nổi tiếng của Thanh Hóa. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.

Việc tổ chức những hoạt động dã ngoại vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ đặc biệt, nhằm để tri ân những đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ cho quá trình xây dựng và phát triển của Trung tâm và cũng là một trong những dịp để ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua những hoạt động thiết thực này.

Chuyến đi kết thúc tốt đẹp, đã để lại những ấn tượng sâu sắc, mang lại những phút giây vui tươi, thư giãn cho các thành viên trong đoàn. Qua đó, đã góp phần chăm lo và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, sự giao lưu trong toàn Trung tâm; động viên, khích lệ tinh thần làm việc hăng say cho các nữ CBCNV - những nhân tố có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Trung tâm.

Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến tham quan.

06

03b

 

02

Nguyễn Thu Hằng